Cầu Thủ Thiêm 4 sẽ có kiến trúc biểu tượng, hài hòa với cảnh quan sông Sài Gòn, đóng vai trò kết nối Khu đô thị Thủ Thiêm với khu đô thị mới phía Nam.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bước chuẩn bị dự án) để triển khai nghiên cứu xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cầu Thủ Thiêm 4 nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) với quận 7, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.300 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự kiến triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Theo kế hoạch, công trình dự kiến thực hiện giai đoạn 2024-2028.
Dự kiến kinh phí gọi thầu ở 3 gói thầu khoảng 708 triệu đồng, gồm: Lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất gói thầu tư vấn, khảo sát, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các gói thầu này dự kiến hoàn thành trong Quý II/2023.
Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến dài 2.160 m, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành; tuổi thọ thiết kế 100 năm, chịu được động đất cấp 7; tĩnh không thông thuyền 80x10m; vận tốc thiết kế 60km/h.
Công trình theo thiết kế có điểm đầu từ đoạn trước giao lộ cầu Tân Thuận 2 – Nguyễn Văn Linh, đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, rẽ trái ở ngã tư Huỳnh Tấn Phát nối vào đường Lưu Trọng Lư (quận 7). Cầu tiếp tục cắt qua khu cảng Tân Thuận, vượt sông Sài Gòn nối Khu đô thị Thủ Thiêm tại giao lộ trục Bắc Nam và tuyến R4 (đường Vùng châu thổ).
Cầu Thủ Thiêm 4 được xác định là một trong các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, cần ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu vực này.
Với vai trò kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu đô thị Nam Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 4 góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh cả 2 khu đô thị phía Đông và phía Nam thành phố.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 5 cây cầu, hầm vượt sông kết nối với các khu vực khác của thành phố. Ngoài cầu Thủ Thiêm, Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn đang hoạt động, từ khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có cầu Thủ Thiêm 3 nối quận 4, cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và cầu đi bộ qua bến Bạch Đằng (quận 1).
Hạ tầng giao thông tại Khu đô thị Thủ Thiêm được đẩy mạnh phát triển vượt bậc nhất khu Đông TP.HCM kết nối mạnh mẽ với các quận trung tâm. Khu đô thị này được quy hoạch với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế, là trung tâm văn hóa, giải trí.
TP.HCM mong muốn Thủ Thiêm sẽ là khu đô thị mới bền vững kết hợp chặt chẽ với các điều kiện cảnh quan tự nhiên, đồng thời tạo ra nhiều không gian mở, các tiện ích, công trình công cộng phục vụ cho cuộc sống cư dân và người lao động.
Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm 5 khu vực chính gồm khu vực “lõi trung tâm” chính, khu dân cư phía bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía đông, khu châu thổ phía Nam. Tổng dân số cư trú thường xuyên là 145.000 người. Số người làm việc thường xuyên là 217.000 người, trong đó khách vãng lai là 1 triệu người (tối đa trong dịp lễ hội), văn phòng cho thuê dạng căn hộ là 1.719 người.
Tìm hiểu thêm căn hộ Paris Thủ Thiêm