TP.HCM kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế sẽ được giải quyết khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được thông qua.
Dự thảo nghị quyết (NQ) mới thay thế NQ54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đang sắp được Quốc hội “bấm nút”. Sự kiện này hứa hẹn mang lại sự phát triển đột phá cho TP.HCM, nhất là trong lĩnh vực giao thông.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông), cho biết NQ mới sẽ là động lực mạnh mẽ tạo sự đột phá về hạ tầng đô thị cho TP.HCM. Những chính sách đặc thù tại NQ mới sẽ là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, các tuyến đường trên cao…Hiện nay, TP có nhiều công trình giao thông cấp bách, cần triển khai thực hiện ngay nhưng chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện, gây tắc nghẽn giao thông, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Các dự án có thể kể đến như dự án xây dựng cầu Cần Giờ; cầu, đường Nguyễn Khoái; nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương; mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao đài liệt sĩ…
Việc đề xuất thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) sẽ tăng cường khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, góp phần tổ chức phát triển không gian đô thị hợp lý, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Hình thức thanh toán bằng tiền sẽ thuận lợi hơn thanh toán bằng quỹ đất, do việc thanh toán bằng quỹ đất chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan.
Hiện nay, Ban giao thông đang quản lý đối với một số dự án BT như: Đoạn 3 đường vành đai 2, đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, bốn tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, đoạn 4 đường vành đai 2, Quốc lộ 13… Các nhà đầu tư cũng rất đau đầu về phương thức thanh toán.
Dự thảo Nghị quyết mới sẽ mang nhiều nội dung, trong đó với cơ chế đột phá cho việc phát triển hạ tầng tập trung vào ba nội dung đặc biệt:
- Thứ nhất, sau khi được thông qua, TP sẽ triển khai thí điểm các dự án BOT trên tuyến đường hiện hữu (trước đó phải ngưng do vướng luật).
- Thứ hai, TP.HCM có thể kêu gọi đầu tư dự án BT thanh toán bằng tiền, trả chậm cho nhà đầu tư (trước đó là thanh toán bằng đất).
- Thứ ba, TP sẽ áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD – là các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính để tạo nguồn phục vụ dự án.
Liên quan đến nội dung này, sắp tới TP sẽ thí điểm cho dự án đường vành đai 3, metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) và các nút giao thông… Chúng ta sẽ có cơ sở tạo ra nguồn lực mới từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông này.
Hiện TP đã thành lập các tổ công tác để có thể chuẩn bị và triển khai ngay cơ chế này trong năm nay. Thậm chí có thể làm ngay vào những tháng cuối năm 2023 và áp dụng ngay với những dự án trọng điểm đang kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, các tuyến đường trên cao và khai thác ngay quỹ đất dọc tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 và nút giao lớn trên đường vành đai 3.
Nhiều năm qua, các dự án như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu vượt Bình Tiên… đã được đưa vào danh mục nghiên cứu tiền khả thi để sẵn sàng mời gọi đầu tư theo hình thức PPP. Với cơ chế mới, TP sẽ đưa ra hàng loạt dự án mới này để mời gọi đầu tư cùng tham gia. Khi dự thảo NQ mới được thông qua cũng là lúc các dự án này được “bấm nút” và hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị TP sẽ được thay đổi.
Nguồn: plo.vn